Ở mỗi gia đình, bàn thờ gia tiên luôn là nơi thiêng liêng, trang trọng nhất. Bàn thờ được đặt ở chánh diện của ngôi nhà, ở gian nhà lớn hay nhà trước, hướng ra cửa cái. Theo quan niệm khách bước vào nhà sẽ đánh giá được phần nào tâm tính của chủ nhà qua bàn thờ thần linh. Việc bài trí các vật dụng trên bàn thờ cũng được sắp đặt theo một khuôn mẫu nhất định. Ngày xưa, trên mỗi bàn thờ của người dân Nam bộ thường có đầy đủ “ngũ sự”, gồm các đồ thờ cúng bằng đồng như: Lư hương đồng, hai chân đèn, lọ lục bình cắm hoa một ống bằng đồng dùng đựng nhang.

Lư dùng đốt  trầm hương mà bà con quen gọi là lư hương, phần lớn được đúc bằng đồng, đặt ở ngay trung tâm của bàn thờ. Lư hương được đặt vững chãi, không xéo, không nghiêng, chênh lệch… bởi đó là điều cấm. Lư hương cũng rất đa dạng, phổ biến là lư đồng mắt cua, lư mắt tre, trong Nam lại có loại lư  quen gọi là lư hương trái bần. Tuy nhiên, do trầm hương là thứ đắt tiền, gia đình khá giả mới có khả năng mua còn phần đông những gia đình xưa thường chỉ trưng bày lư hương cho đẹp chứ rất hiếm xông hương.

Bà con thay vào đó là hai cái vùa hương để cắm nhang. Hai bên lư hương là hai chân đèn  tượng trưng cho âm – dương cân xứng, giao hòa. Người xưa rất chú trọng đến khoảng cách giữa hai chân đèn và lư hương phải thật đều nhau. Một bên phía trong chân đèn là cái bình dùng cắm hoa tươi. Tuy nhiên, do một số vùng quê không kiếm được hoa tươi nên bà con thường trưng vài nhánh trường sinh  vừa tiện lợi mà lại ý nghĩa. Một bên bàn thờ là một ống cây bằng gỗ hoặc đồng dùng để đựng nhang. Có một vật ngoài “ngũ sự” nhưng lại rất quan trọng trên mỗi bàn thờ đó chính là cây đèn dầu hột vịt  vặn lửa nhỏ “liu riu” (còn gọi là chong đèn), vừa để tiện đốt nhang và cũng để giữ lửa. Ngoài ra, trong những ngày tết đến xuân sang hay tại ban thờ của các gia đình Nam Bộ khá giả thì bộ hoành phi câu đối bằng đồng là vật phẩm phong thủy không thể thiếu. Trên bàn thờ thường có đĩa trái cây, người Nam bộ quan niệm dĩa trái cây này không cần đắt tiền, hoa mỹ mà chỉ là cây nhà lá vườn, “sản vật” của gia đình dâng lên ông bà. Bàn thờ luôn được trang hoàng, lau chùi dọn dẹp thường xuyên. 

Điều khác biệt lớn nhất giữa bàn thờ ngày xưa và hiện nay của người Nam bộ là người xưa thường thờ ông bà bằng “Thần chủ”  nhiều người quen gọi là “Bài vị”. Đó là một tấm gỗ quý được chạm trổ tỉ mỉ và khắc các “dữ kiện”: tên tuổi, năm sinh, năm mất, quê quán, chức vị, phẩm trật xã hội… để con cháu nhớ đến. Ngày nay, “thần chủ” được thay bằng di ảnh của người quá cố, phần dưới thường ghi đơn giản tên và năm sinh, năm mất. 

Địa Chỉ: 121 đường cách mạng tháng 8, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Email: dodongvietcantho.com@gmail.com

Hotline: 0944518556