Khi bắt đầu học cách nhận diện sở thích đúng với bản chất của nó – chỉ là trạng thái tâm lý nhất thời, chúng ta sẽ nhận thấy rằng mình có rất nhiều sự lựa chọn, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, và không bị trói buộc bởi những sở thích hạn hẹp của tư duy thiên kiến.
Phật pháp luôn nhấn mạnh đến việc chúng ta tỉnh táo nhận biết các sở thích của chính mình. Để ý quan sát các sở thích, thói quen của bản thân, chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình thích những gì mang lại cảm giác dễ chịu và vui sướng. Ai cũng có sở thích riêng, điều đó hoàn toàn bình thường, nhưng vấn đề nằm ở sự bám chấp, dính mắc, tự đồng hóa mình với những sở thích ấy. Đó là cội nguồn của biết bao khổ đau, phiền não trong cuộc sống.
Chính sự ấn định phải đạt được những gì mình thích, mọi thứ phải diễn ra theo ý mình tạo ra sự căng thẳng và áp lực tâm lý không cần thiết. Thông qua thực hành chính niệm, chúng ta sẽ dần nhận biết được năng lực ‘gây nghiện’ của sở thích cũng như cách chúng chi phối và ‘đánh lừa’ chúng ta.
Tại sao sở thích lại có khả năng điều khiển chúng ta? Một phần do hệ thần kinh của chúng ta được ‘lập trình’ bởi những kinh nghiệm trong quá khứ và tạo ra những phản xạ có điều kiện, truyền tải thông tin về những gì chúng ta ưa thích một cách tự động, khiến chúng ta bị cuốn theo không chút đắn đo. Sở thích trở thành thói quen dựa trên những gì chúng ta cho là dễ chịu. Khi nó không được đáp ứng, chúng ta tự mặc định rằng mình sẽ bất mãn, trong khi thực tế có thể không như vậy.
Khi bắt đầu học cách nhận diện sở thích đúng với bản chất của nó – chỉ là trạng thái tâm lý nhất thời, chúng ta sẽ nhận thấy rằng mình có rất nhiều sự lựa chọn khác, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, và không bị trói buộc bởi những sở thích hạn hẹp của tư duy thiên kiến. Lúc đó, chúng ta vẫn có những sở thích riêng nhưng đồng thời biết ‘làm bạn’ với chúng, để hạnh phúc hay sự hài lòng của chúng ta không bị phụ thuộc vào việc sở thích phải được đáp ứng.
Thực hành chính niệm – ý thức và nhận biết rõ mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình có thể giúp chúng ta bớt bám chấp vào những sở thích cố hữu của mình và sống an nhiên tự tại hơn.
- Trong cuộc sống hàng ngày, hãy quan sát tâm mình để nhận ra mỗi khi ‘nó’ bắt đầu phản ứng vì mọi thứ không diễn ra theo ý muốn và để ý những suy nghĩ bám chấp phát khởi.
- Dành chút thời gian suy ngẫm về những sở thích của mình, trong mọi khía cạnh của cuộc sống như ăn uống, sinh hoạt, làm việc, tư duy, ứng xử… Tự hỏi xem những sở thích đó có thực sự mang lại lợi ích hay chỉ là những thói quen cố hữu, những phản ứng theo ‘quán tính’ mà thôi?
- Nhận diện và thực hành từng bước gỡ bỏ những thói quen sở thích lợi bất cập hại. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ (như thích ăn đồ ngọt, ngủ nướng…). Chỉ bản thân việc nhận biết cảm xúc ngay khi chúng phát khởi không thôi cũng có khả năng vô hiệu hóa sức mạnh của chúng.
Thực hành chính niệm một cách đều đặn – tỉnh táo nhận biết rõ những sở thích của bản thân, bạn sẽ tạo ra được một ‘khoảng cách’ tự nhiên giữa mình và các sở thích thay vì để nó sai khiến. Dần dần, bạn sẽ nhận thấy, đó chỉ là những ảo tưởng do tâm phóng chiếu ra và chúng sẽ tan biến với năng lực của chính niệm tỉnh giác bở hạnh phúc đích thực vốn sẵn có trong tâm mình.