Một trong số những tâm lý tiêu cực cần chuyển hóa càng sớm càng tốt là tâm lý cố chấp, một “thành viên cứng đầu” tạo lực cản không nhỏ làm trì trệ, bế tắc và thậm chí, đưa đến sự nản lòng của chúng ta trên con đường tu tập và chuyển hóa. Người nào thiên nặng về tâm lý cố chấp được Đức Phật gọi là người “cố chấp”, “chấp trước”, “khó nói” và là đối tượng để Ngài giáo hóa và nhắc nhở. Căn cứ vào một số lời dạy trong kinh điển, bài viết này bàn về người cố chấp và những chướng ngại mà người cố chấp tự tạo ra cho mình trong cuộc sống.

Người cố chấp: như tằm kéo kén

Một hình tượng gần gũi giúp chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng về người cố chấp là những con tằm kéo kén để rồi tự ràng buộc mình vào trong tổ kén bịt bùng và chật chội ấy. Người cố chấp cũng như thế. Trong phần Sám hối lục căn của Khóa hư lục, vua Trần Thái Tông đã diễn tả ý này rằng:

Mắc mứu tình trần,
Lấp tâm chấp tướng.
Như tằm kéo kén,
Càng buộc càng bền.

Đức Phật từng tuyên bố rằng, người nào có thể bỏ bớt “cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả” thì sở tri kiến sẽ được đoạn giảm dần (Kinh Đoạn giảm, Trung bộ kinh số 8) và dĩ nhiên, đau khổ cũng theo đó giảm dần. Khi làm như vậy, người ấy sẽ tự mình nới lỏng sợi dây ràng buộc để nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng và ngột ngạt hơn. Trong bài kinh này, Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng “con người tự mình bị rơi vào bùn lầy thì không thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy”, một người cố chấp tư kiến, tự ràng buộc mình, không tự giải thoát thì không thể nào giúp người khác từ bỏ cố chấp tư kiến được. Nói cách khác, người cố chấp thì không thể khuyên người khác đừng có cố chấp! Đây là sự thật hiển nhiên vì một khi không tự giúp mình thì không thể giúp ai! Và thực tế hơn, không ai có thể cho đi những gì mình không có!

Một người tự buộc mình trong ổ kén của cố chấp thì không thể tiếp cận được Tam bảo, như ở trong “vùng mù” của bóng đêm thì không thể tiếp cận ánh sáng mặt trời vậy.

Người cố chấp: xa rời Tam bảo

Chúng ta không khỏi giật mình khi Đức Phật nói rằng, với “người cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Đạo sư, không cung kính, không tôn trọng Pháp, không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, không viên mãn sự học tập” (kinh Trường trảo, Trung bộ kinh số 74). Người có tánh cố chấp không lường được tai hại thế này! Thế nhưng, bình tâm suy nghĩ một chút, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận lời dạy trên của Đức Phật. Người cố chấp thì cứ khư khư ôm giữ cách nhận thức, cách hiểu của mình, vì cho đó là đúng, sẽ không tôn trọng và không chấp nhận quan điểm của người khác. Nói theo thuật ngữ nhà Phật thì đó là “chấp trước tà kiến”. Do đó, vì khó thuyết phục nên họ sẽ không thể viên mãn sự học tập từ Ba ngôi báu. Là người học Phật thì không có gì trên đời này quý hơn Ba ngôi báu! Chỉ vì không lường được sự nguy hiểm, của tánh cố chấp, sự thiệt thòi khi không tiếp cận được với Tam bảo mà chưa nỗ lực chuyển hóa đó thôi. Nay nhờ lời dạy này của Đức Phật mà chúng ta tự xét mình kỹ hơn, kịp thời chuyển hóa tâm mình trước khi tự đóng khung mình trong vòng cố chấp đầy vô lý và nhiều khổ đau!

Người cố chấp: một chiều trong nhận thức

 Ở Tiểu kinh sư tử hống (Trung bộ kinh số 11), Đức Phật nói rằng, người cố chấp vào “pháp có” sẽ bị chướng ngại với các “pháp không”, và người cố chấp vào “pháp không” sẽ bị chướng ngại với các “pháp có”. Nói cách khác, người cố chấp không thể nào hiểu và chấp nhận những gì khác với suy nghĩ, nhận thức và niềm tin của mình! Một khi nhận thức và suy nghĩ của người chấp trước bị đóng khung như một tảng băng đông cứng thì người ấy sẽ không thấy được điều gì khác, dù có tốt đẹp, sinh động đang diễn ra ngoài kia. Bằng trải nghiệm tự thân, ai cũng có thể cảm nhận điều này không mấy khó khăn. Đây là đầu mối của tất cả sự bất hòa, căng thẳng giữa mình và người trong bất cứ một tập thể nào, dù ở phạm vi nhỏ nhất chỉ có hai con người!