Tìm hiểu về “Cửu huyền Thất tổ”
– Cửu Huyền: Nghĩa là 9 đời hay 9 thế hệ, gồm có:
1. Cao Tổ: Ông sơ
2. Tằng tổ: Ông cố
3. Tổ phụ: Ông nội
4. Phụ: Cha
5. Bản thân
6. Tử: Con trai
7. Tôn: Cháu nội
8. Tằng tôn: Chắt (cháu cố)
9. Huyền tôn: Chít (cháu sơ)
– Thất Tổ gồm:
7. Thỉ Tổ (Tỷ Khảo) : Thất Tổ
6. Viễn Tổ (Tỷ Khảo) : Lục Tổ
5. Tiên Tổ (Tỷ Khảo) : Ngũ Tổ
4. Cao Tổ (Tỷ Khảo) : Tứ Tổ
3. Tằng Tổ (Tỷ Khảo) : Tam Tổ
2. Nội Tổ (Tỷ Khảo) : Nhị Tổ
1. Phụ thân (Tỷ Khảo) : Nhứt Tổ
– Cửu Huyền Thất Tổ, vào thuở ban sơ, là một tổ hợp từ do Đạo giáo chế tác bằng cách vay mượn từ ngữ Thất Tổ của Đạo Nho kết hợp vào từ ngữ Cửu Huyền vốn từng có trước đó trong Đạo của mình. Trong hoàn cảnh tam giáo hợp nhất xảy ra, Đạo Nho bấy giờ cũng như cái vỏ ốc tư duy hóa thạch đang hồi thô ráp rỗng ruột được đổ đầy vào đó tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật cùng tinh thần phóng khoáng tự do khinh bạc tung hoành xuất thế của Đạo giáo. Nhưng dù biện giải theo quan điểm tôn giáo của mình như thế nào, giữa Đạo giáo và Phật giáo, thì Cửu Huyền Thất Tổ cũng vẫn là một tổ hợp từ điểm chỉ các thế hệ tổ tiên ông bà đã chết trong quá khứ của mình.
Truyền thống ở Việt Nam chúng ta thường thờ cúng Cửu huyền, còn Thất tổ thì dành cho vua chúa mới được thờ phụng.
– Cửu huyền tính từ bản thân mình làm cột mốc, trên chúng ta là ba thế hệ, bản thân (ta) và dưới là bốn thế hệ. Chúng ta thờ ba thế hệ trên ta là đương nhiên, nhưng tại sao lại phải thờ thêm cả ta và bốn thế hệ dưới?
Bởi vì, cuộc sống chính là một chuỗi các móc xích tương quan với nhau và nó trùng trùng duyên khởi.Thờ phụng ba thế hệ ở trên là thờ phụng những người đã có công sinh thành, dưỡng dục cho chúng ta nên người. Thờ phụng năm thế hệ sau trong đó có cả ta: là để nhắc nhở rằng kiếp này phải làm những điều thiện và tin luật nhân quả 3 đời gồm: quá khứ – hiện tại – tương lai có mối tương quan với nhau.
Ý nghĩa thờ Cửu huyền Thất tổ
Văn hoá Việt Nam, dù trải bao thăng trầm lịch sử, nhưng đạo lý: “Sang đò nhớ ơn người chèo chống, nằm võng nhớ ơn người mắc dây” vẫn được khắc sâu trong tâm khảm người Việt.
Cửu huyền Thất tổ có nghĩa là 9 đời trong thế hệ một gia đình, hay nói cách khác chính là thờ phụng tổ tiên. Vì thế, thờ cúng “Cửu Huyền Thất Tổ” là tỏ lòng kính trọng với tổ tiên, các bậc tiền nhân đã sinh dưỡng, dày công dạy dỗ, dạy cách làm ăn, dạy hành động, cử chỉ sao cho tốt đẹp, hợp đạo lý để phát huy sự nghiệp của Tổ tiên và làm rạng rỡ Tổ tiên, là thờ cúng cái nguồn gốc phàm trần của xác thân.
Cửu huyền thất tổ trong nền văn hóa Việt Nam
Văn hóa Việt Nam đa dạng ở các loại hình học thuật, tư tưởng tôn giáo, giải trí, nghệ thuật,….Trong đó văn hóa tâm linh không chỉ đa dạng ở cách thức thờ cúng mà còn trong từng món đồ, từng ý nghĩa nhân văn.
Là vật thờ chỉ được thờ ở một số gia đình, cửu huyền thất tổ mang giá trị như một tấm bảng lưu giữ, tưởng nhớ công ơn của ông bà, cha mẹ, bậc tiền nhân qua nhiều đời kiếp. Đó là một nét đẹp trong truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc.
Một số người cho rằng: nếu cha mẹ còn sống thì không nên thờ cửu huyền thất tổ trong nhà bởi cửu huyền thất tổ là thờ đến đời bố mẹ, mà bố mẹ còn sống thì không nên thờ như vậy? Vì vậy, tùy theo quan niệm của từng người mà có nên thờ cửu huyền thất tổ hay không?
Người Việt tin rằng: “âm phù dương trợ”, có chăm nom phần âm, tưởng nhớ, thờ cúng tổ tiên cẩn thận thì sẽ được phúc phần về sau và được nâng đỡ, phù hộ trong mọi công việc. Nên bên cạnh việc thờ cúng, hương hoa thì việc bày biện, sắm sửa đồ thờ cúng đầy đủ cũng được các gia chủ chú ý.