Đức Phật ngoài việc giáo huấn về đạo đức, tu tập chứng đắc các Thánh quả giải thoát cho hàng đệ tử tại gia, Ngài còn luôn khuyên dạy họ cần mẫn lao động hợp pháp để trở nên sung túc, giàu có. Với thành quả lao động có được nhờ bàn tay và khối óc, người Phật tử cần phát huy tuệ giác để quản lý và chi tiêu sao cho lợi mình và lợi người, có ích cho hiện đời và cả đời sau.
Theo Thế Tôn, phải có trí mới nhiếp thọ được tài sản, chẳng những không bị thất thoát mà còn sinh lợi. Nhiếp tức là thâu nhiếp, quản lý và giữ gìn tài sản do mình làm ra. Thọ chính là thọ dụng, hưởng thụ, chi tiêu tài sản của mình để cuộc sống được an vui, hạnh phúc. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là phải quản lý tài sản và chi tiêu tiền bạc đúng đắn, khoa học.
Đức Phật day về cách chi tiêu mang lại lợi ích
Theo Đức Phật, tài sản do mình làm ra cần được chia thành bốn phần. Một phần tư tài sản để chi tiêu cho cuộc sống. Làm ăn có tiền của thì phải tiêu xài, chăm sóc sức khỏe, lo ăn uống, mua sắm các tiện nghi để phục vụ cho đời sống. Tiện tặn, keo kiệt với bản thân và gia đình là điều không nên. Hai phần tư của khối tài sản cần để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh.
Nếu không dành dụm để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh thì sẽ khó có cơ hội phát triển. Một phần tư tài sản còn lại được để dành phòng khi ốm đau hoặc bất trắc; một phần của khoản để dành này có thể đem cúng dường, bố thí, giúp người cùng với các chi phí giao tế khác.
Sử dụng tài sản do công sức và trí tuệ của mình làm ra theo cách phân chia làm bốn phần như trên thì tài sản của mình ngày càng tăng thêm, kinh tế gia đình vững mạnh và ổn định. Ngày nay, người đệ tử Phật sống trong xã hội hiện đại thì quản lý và chi tiêu tài sản tuy có phần khác hơn nhưng căn bản thì vẫn dựa trên nền tảng lời Phật đã dạy. Do đó, khéo nhiếp thọ tài sản cũng là một trong những hạnh tu để ổn định và phát triển kinh tế gia đình, khiến cho cuộc sống an ổn và hạnh phúc, tạo nền tảng cho sự tu tập thăng hoa tâm linh, thành tựu giải thoát.