Ai là người lau dọn bàn thờ?
Người lau dọn bàn thờ gia tiên tốt nhất là người trong nhà (thường là gia chủ), không nên nhờ người ngoài giúp đỡ. Hơn thế, bạn cần phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo chỉnh chu rồi, xin phép ông bà gia tiên, thần linh rồi mới tiến hành vệ sinh, lau dọn.
Khi nào mới được lau dọn bàn thờ?
Theo các chuyên gia phong thủy, khi nào thấy bàn thờ chưa được trang nghiêm và cần được dọn dẹp thì gia chủ có thể dọn ngay. Nhiều gia đình thường chờ đến ngày 23 Tết ông Công, ông Táo rồi mới lau dọn. Hay nhiều gia đình còn để chân hương quá dày, tầng tầng lớp lớp với quan niệm “chân hương càng nhiều, càng phát tài lộc” nhưng điều này là không đúng.
Hướng dẫn cách lau dọn bàn thờ đúng
Trước khi lau dọn bàn thờ, gia chủ cần chuẩn bị một đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ, thắp một nén hương để thông báo với tổ tiên, thần linh và xin phép được lau dọn.
Nên lau từ cao xuống thấp, đối với các bức tượng nên dùng khăn mềm để lau sẽ tránh trầy xước, bay màu sơn. Tránh việc xê dịch các món đồ thờ cúng, lau xong nên đặt lại đúng vị trí. Bên cạnh đó, gia chủ có thể dùng máy thổi hơi loại nhẹ để đánh sạch bụi trong ngóc ngách.
Sau đó sẽ tiến hành lau dọn bài vị. Nếu gia đình bạn có thờ thần phật thì lau trước. Tiếp mới đến bài vị của ông bà, tổ tiên. Phải dùng khăn sạch, lau bằng nước ấm (không được dùng nước lạnh).
Tiếp đến là lau bát hương và tỉa chân hương. Lúc này, gia chủ hãy từ từ rút từng chút một cho tới khi còn số hương lẻ trong bát hương ( có thể là 3, 5, 7, 9). Sau đó mang đi hóa tro số còn lại. Lưu ý nên chôn tro ở gốc cây hoặc thả xuống sông, suối. Tuyệt đối không đổ vào những nơi ô uế như thùng rác hay nhà vệ sinh. Sau cùng, dùng rượu gừng hoặc nước thảo dược lau sạch bằng khăn mềm từ miệng bát hương trở xuống.
Sau khi bát hương khô ráo thì gia chủ cần thực hiện điều này. Nếu là bát hương thờ thần phật, dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương thờ tổ tiên dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh. Khi tờ tiền vàng cháy được một nửa thì bỏ vào trong. Đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần. Điều này mang ý nghĩa “ra nhỏ vào lớn”, ý là “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ” và ngược lại.