“Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Nhiêu-hà-mô (rừng Trúc, chỗ nuôi sóc). Bấy giờ, trong thành Vương Xá có con của vị Cư sĩ tên là Thiện Sanh. Khi người cha sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối trăng, khéo dạy khéo quở rằng:
– Này Thiện Sanh! Sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương rằng: ‘Ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi’.
Đức Phật dạy:
– Này con trai Cư sĩ, kẻ mong cầu của cải nên biết sáu điều phi đạo. Sáu điều đó là gì? … Sáu là quen lười biếng mà mong cầu tài vật là phi pháp.
– Này con nhà Cư sĩ, với người lười biếng, nên biết có sáu tai họa. Sáu món đó là gì? Một là quá sớm, không làm việc. Hai là quá trễ, không làm việc. Ba là quá lạnh, không làm việc. Bốn là quá nóng, không làm việc. Năm là quá no, không làm việc. Sáu là quá đói, không làm việc. Này con nhà Cư sĩ, người lười biếng không phải lúc thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh được thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Thiện Sanh, số 135 [trích])
Phi đạo là những việc dẫn đến sự hao tài. Điều phi đạo thứ sáu là quen lười biếng. Biếng nhác là tật xấu cố hữu của rất nhiều người. Không siêng năng, chịu khó làm lụng mà mong dư dả, giàu có và đủ đầy là điều không thể.
Người lười biếng thường có đủ mọi lý do để biện hộ cho sự biếng nhác của mình. Sớm quá, trễ quá, lạnh quá, nóng quá, no quá, đói quá v.v… là những lý do để không làm việc. Họ đâu biết rằng hoàn cảnh khách quan không phải là nguyên nhân chính của chướng ngại mà chính tâm biếng nhác, chây lười mới thực sự làm cho con người mệt mỏi, chán nản, không thiết tha với công việc.
Rõ ràng, lười biếng tư duy và biếng nhác lao động thì không thể thành công trong cuộc sống. Chẳng những sự nghiệp không thành tựu mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá nát những gì đang có. Trong đạo cũng vậy, người tu mà không lập hạnh tinh tấn thì sẽ tiêu tan đạo nghiệp. Đối mặt với nhiều sự gian nan, nhất là nghiệp chướng tham sân si nhiều đời nếu không dũng mãnh phát nguyện đi tới thì khó vượt qua trở ngại chính mình. Trôi lăn trong luân hồi nhiều đời kiếp cũng vì không tinh tấn.
Suy nghiệm về cuộc sống để thấy rằng không hề có sự dễ dàng, không làm mà muốn có ăn thì hãy nhớ rằng đằng sau miếng mồi ngon là chiếc bẫy. Muốn tu ít, dễ dàng mà chứng đắc giải thoát cao vời thì liền rơi vào tà đạo. Mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó.
Thế nên, mỗi người cần lập hạnh siêng năng, tinh tấn, tìm cách khắc phục lười biếng, giải đãi. Việc dù khó mấy mà ta kiên tâm, bền chí, quyết không lùi bước thì sẽ có ngày thành công. Còn chưa gì đã thấy khó khăn, mệt mỏi, chán chường thì sẽ nhanh chóng bỏ cuộc.