Kỹ thuật đúc tượng là khâu vô cùng quan trọng để đảm bảo chất lượng tượng đồng. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu, phối hợp tỷ lệ nguyên liệu, nấu đồng, làm khuôn, làm nguội…. đều phải được giám sát chặt chẽ bởi thợ lâu năm lành nghề.

Nguyên liệu đúc tượng Phật phải là đồng đỏ để đảm bảo độ dẻo và độ bền. Đồng dây điện là loại đạt tỷ lệ tốt nhất và cũng là nguồn đồng “sạch” nhất, không bị pha tạp các loại đồng sử dụng trong các mục đích khác.

Quá trình đúc đồng phải được pha tỷ lệ 1 số hỗn hợp khác nhau để đạt độ mịn, độ cứng, dày mỏng… Không thể vì đạt trọng lượng lớn và hạ giá thành mà pha trộn quá nhiều tạp chất. Tượng sẽ lỗ rỗ, bong tróc, nứt gãy… trong quá trình sử dụng lâu dài. Đặc biệt nhiều nơi cho quá nhiều chì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc lâu dài. 

Quy trình đúc tượng Phật đồng đạt chuẩn

Bước 1: Lựa chọn nguyên liệu

Chất liệu đồng quyết định rất nhiều đến chất lượng sản phẩm của, vì vậy cần lựa chọn loại đồng tốt, ít tạp chất để cho ra sản phẩm chất lượng đúng yêu cầu.

Bước 2: Tạo mẫu và duyệt mẫu

Nghệ nhân tạo mẫu như hình ảnh của sản phẩm mẫu (mẫu có thể do khách hàng cung cấp)
– Dùng đất sét đắp mẫu theo quy định, chỉnh sửa đường nét, ngôn ngữ điêu khắc của thành phẩm trên từng thành phẩm.
– Khi đạt được yêu cầu làm khuôn thạch cao âm bản chỉnh sửa đổ ra khuôn thạch cao.
– Yêu cầu: Bản chỉnh sửa đường nét như phác thảo đã được duyệt.

Bước 3: Tạo khuôn

Sau khi mẫu đất đã đạt được các yêu cầu, nghệ nhân bắt đầu làm khuôn đúc:

– Đầu tiên nghệ nhân dùng đất, vỏ trấu và giấy gió để làm khuôn âm bản.
– Sau đó dùng đất bùn củ, vỏ trấu và bột chịu nhiệt để làm cốt bên trong (còn gọi là làm thao).
– Nung chín khuôn ở nhiệt độ 700 độ C, sau đó để khuôn nguội rồi căn chỉnh độ dày mỏng của đồng sao cho đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật.
– Chỉnh sửa lại khuôn, làm nhẵn, quét sơn chịu nhiệt sau đó đem nung khuôn ở nhiệt độ 500 độ C để được khuôn hoàn chỉnh

Bước 4: Nấu chảy nguyên liệu

Nấu đồng ở nhiệt độ 1200 độ C, khi đồng chảy hết pha tỷ lệ Thiếc + Chì + Kẽm theo yêu cầu, chỉnh nhiệt độ là 1250 độ C, nước đồng lỏng đạt theo yêu cầu lúc đó đưa ra và rót vào khuôn

– Không thể nấu đồng ở dạng nguyên chất 100%, nên phải dùng các hợp kim trên để làm giảm nhiệt độ sôi của đồng dễ dàng nấu chảy.

+ Đồng vàng có tỷ lệ: 60% đồng + Thiếc, Chì Kẽm

+ Đồng đỏ có tỷ lệ 95% đồng + Thiếc, chì, kẽm

Khi pha kim loại vào từng thành phẩm các nghệ nhân phải có kinh nghiệm pha trộn mới đạt yêu cầu chất lượng tốt nhất.

Bước 5: Rót đồng đã nấu vào khuôn

Trước khi đúc đồng và các hợp kim nóng chảy vào khuôn phải nung khuôn nóng đều, đủ độ nhiệt cho đồng chảy đều trong khuôn. Đây là khâu khó nhất phải nhờ kinh nghiệm của đôi mắt và khả năng phán đoán của nghệ nhân lâu năm.

Bước 6: Làm nguội và hoàn thiện sản phẩm

– Sau khi khuôn nguội, dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục, tách, mà rũa theo mẫu và con mắt của nghệ nhân phải đồng sắc – đồng khí mới đạt yêu cầu kỹ thuật, nghệ thuật.

– Sản phẩm đúc ra sau khi đã đạt tiêu chuẩn về hình dáng, kích thước, họa tiết phải tiến hành khâu làm nguội. Muốn làm được công đoạn này cần phải có dụng cụ riêng như cây khoan, bàn dũa, dao chấn đe… 

– Các hoa văn trên bề mặt tượng được chạm hoặc khảm thêm các loại kim khí tùy theo mẫu tượng.