Hãy luôn khiêm cung và nhã nhặn, yêu thương và tôn trọng những người xung quanh mình bởi vì bạn không thể biết được cái gì sẽ xảy ra với bạn vào ngày mai…
Trong kinh Phước đức (Mahàmangala Sutta), một bài kinh trong kinh Tập, thuộc Tiểu bộ kinh, Đức Phật dạy mười điều vừa là nhân mà cũng vừa là quả phước đức; theo đó điều thứ 7, Ngài răn dạy đức tính Khiêm cung: “7. Biết khiêm cung – lễ độ, biết đủ và nhớ ơn, không bỏ dịp học đạo”.
Đối với người tu học, biết ngồi lại để thấm thía tinh thần uyên sâu mà giản dị của Phật pháp, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa quan trọng tuyệt vời của cái gọi là cách đối nhân xử thế hay nói gọn hơn, là phép sống ở đời – mà ở đó khiêm cung là một phẩm chất trân quý.
Đức khiêm cung biểu hiện trong lời lẽ, cử chỉ, thái độ, hành vi, thậm chí trong cách đi đứng ăn mặc, nói chung trong nếp sống hàng ngày của con người.
Làm mình nhỏ bé, không nhằm để che giấu một mặc cảm mà thật lòng thấy mình nhỏ bé trước cái bao la và phức tạp của vũ trụ, thì đó có thể là dấu hiệu cụ thể của tính khiêm cung.
Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến đồ đông lạnh. Ngày hôm ấy, sau khi hoàn thành công việc, như thường lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra một chút. Đột nhiên cửa phòng bị đóng và khóa lại, cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết.
Cô vừa hét khản cổ họng vừa đập cửa với hy vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu nhưng vẫn không có ai nghe thấy. Lúc này tất cả công nhân đã tan ca, toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh.
Đến khoảng 6 giờ chiều hôm ấy, người cô lạnh cóng trong tuyệt vọng và đau khổ với ý nghĩ rằng ‘đây chính là ngày cuối cùng của cuộc đời, mình sẽ bị chết cóng trong kho lạnh này’. Trong tận cùng sợ hãi và sức chống chịu thì bất ngờ âm thanh của chiếc chìa khóa tra vào ổ ‘tách… tách’; cánh cửa nặng nề từ từ đẩy ra, người bảo vệ xuất hiện như một vị thần đến mở cửa cứu cô gái ra ngoài.
Hôm sau, cô gái đến cảm ơn và hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa, mặc dù đây không phải khu vực mà ông ấy quản lý.
Người bảo vệ trả lời:
-Tôi làm việc ở nhà máy này đã 35 năm rồi. Mỗi ngày đều có mấy trăm công nhân ra ra vào vào. Nhưng cô là người duy nhất mà ngày nào sáng sớm đi làm cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm biệt tôi trong khi có rất nhiều người xem như không nhìn thấy tôi vậy.
Khi đưa gì cho ai, tôi cũng thấy cô đưa bằng 2 tay, điều mà ít người làm được. Hôm qua tôi biết rõ ràng buổi sáng cô có đi làm bởi vì sáng sớm cô còn cười với tôi và nói “cháu chào bác”.
Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, tôi lại không nghe thấy tiếng cô chào: “Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại”. Thế là tôi quyết định đi vào trong nhà xưởng để xem thế nào. Tôi đi đến những chỗ góc hẻo lánh tìm cô và cuối cùng lại nghe thấy tiếng khóc và tìm thấy cô ở trong kho đông lạnh…
Câu chuyện của cô gái cho thấy rõ đức tính khiêm cung là một cử chỉ thành thục, đầy đủ đức chân thiện mỹ. Chúng ta cùng quán xét xem cây cỏ khi kết trái đơm bông đều hướng xuống mặt đất trĩu cành. Cây lúa khi trổ bông chín mùi thơm ngát cũng trĩu ngọn cúi đầu. Thế nên khiêm cung là cử chỉ cao quý khiến cho người khác ngay khi tiếp cận liền khởi tâm yêu mến, hoan nghênh. Khiêm cung nhã nhặn, sẽ tăng trưởng nhân cách đạo đức và là pháp thu phục lòng người thành công; Tự cao ngã mạn sẽ làm tổn thất nhân đức.
Đối với người tu học, thiếu đức khiêm cung là một trở ngại lớn trên con đường tiến tu. Chúng ta là hàng hậu học cần nên noi gương hàng thánh nhân học tập pháp hạnh khiêm cung mới tạo được mối kết thiện nhân duyên. Người biết sống khiêm cung nhất định sẽ có cuộc sống hạnh phúc, và sẽ có ngày thành tựu trong ở trong các Pháp thế gian và xuất thế gian.