Có một lần Đức Phật chỉ thanh gỗ đang trôi dưới sông Hằng nói với các Tỳ-kheo rằng sự tu tập để đi đến giải thoát của các Tỳ-kheo cũng giống như thanh gỗ đang trôi ra biển ấy. Thanh gỗ đó có thể bị tấp vô bờ, có thể bị chìm xuống nước, có thể bị dạt vào hòn đảo nào đó, có thể bị ai đó vớt lên, có thể bị mục nát, có thể bị nước xoáy… làm cho nó không thể ra đến biển được. Các Tỳ-kheo cũng vậy, trong quá trình tu tập có thể sẽ gặp những trở ngại ngăn cản họ đi đến giải thoát cuối cùng. Họ có thể bị dính mắc vào dục lạc, vào danh vọng, vào kiến chấp, vào bạn bè xấu… làm cho họ bị chệch hướng Niết-bàn.

Nếu thanh gỗ kia muốn ra đến biển cả thì nó phải luôn luôn được trôi giữa dòng. Cũng vậy, các Tỳ-kheo muốn đi đến biển cả của giải thoát thì họ phải đi theo con đường Trung đạo và lấy giới, định, huệ làm căn bản. Bất cứ ai muốn tu tập giải thoát hay chỉ mong một cuộc sống tốt đẹp thì phải hiểu bản thân và hoàn cảnh xung quanh. Chúng ta đang sống trong một thế giới không ổn định, không hoàn toàn là hoa hồng nhưng cũng không hoàn toàn là gai nhọn. Hoa hồng thì rất đẹp và thơm nhưng thân của nó thì đầy những gai nhọn. Đối với những người lạc quan thì thế giới này là một luống hoa hồng. Còn đối với những người bi quan thì thế giới này toàn gai. Nhưng những người có đầu óc thực tế thì thấy cả cái được và cái mất của hoa và gai. Bạn muốn có được hoa hồng thì phải chịu bị gai đâm, nhưng cũng không vì sợ gai mà người ta không thưởng thức hoa hồng. Một người có trí huệ sẽ không bị vẻ đẹp của hoa hồng làm cho mê muội mà có cái nhìn như thực: Hoa hồng chính là hoa hồng. Cũng vậy, khi biết được bản chất của gai, anh ta sẽ thấy gai chính là gai và sẽ cẩn thận để không bị gai làm cho mình bị thương.

Tám ngọn gió trong cuộc đời

Cũng như quả lắc lúc nào cũng lắc qua lắc lại, tám ngọn gió (bát phong) là những cặp phạm trù “được và mất, vinh và nhục, khen và chê, vui và buồn” luôn có mặt ở đời mà bất cứ ai dù muốn dù không cũng phải đối diện trong suốt cuộc đời. Tám yếu tố này chia làm 4 đôi, trong đó phân nửa là hoa hồng và nửa còn lại là gai.

Mặc dù không dễ, nhưng chúng ta nên cố gắng ít dính mắc vào đời. Chúng ta đến một mình và ra đi một mình. Sự không dính mắc, không mong cầu sẽ giúp cho tâm hồn ta yên tĩnh. Có một điều khá mỉa mai là những người vĩ đại thường hay bị vu khống, hủy nhục, và thậm chí sát hại. Socrates bị ép uống thuốc độc trong tù, Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá, Thánh Gandhi bị bắn chết… Bernard Shaw nhận xét rằng “làm người tốt thật nguy hiểm”. Nếu những vĩ nhân còn chết vì niềm tin của họ thì chúng ta là ai mà phàn nàn rằng tại sao lòng tốt của ta lại không được đáp đền xứng đáng? Vâng, thật là nguy hiểm để làm người tốt. Nhưng lịch sử không thiếu những người tốt như thế. Họ có thể bị chỉ trích, bị tấn công hay bị giết, nhưng sau khi chết họ được vinh danh và phong thánh khi người đời nhận ra công lao của họ. Thật ra những vĩ nhân không màng đến danh tiếng hay chê bai của người đời. Họ không tức giận khi bị chỉ trích cũng không sung sướng khi được tán dương. Họ chỉ làm những gì họ thấy cần làm mà không bận lòng người đời có nhận ra sự cống hiến của mình hay không.

Trong kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, Đức Phật dạy về tám ngọn gió này rằng: “Ở đời có tám việc, chúng sanh xoay chuyển theo đó. Thế nào là tám? Một là được, hai là mất, ba là vinh, bốn là nhục, năm là khen, sáu là chê, bảy là khổ, và tám là lạc. Như thế, này Tỳ-kheo, tám việc này tùy theo đời xoay chuyển. Này các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện trừ tám việc này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!” Ngài cũng dạy rằng, “Khi tiếp xúc với cảnh trần, tâm của vị A-la-hán không bao giờ dao động”. Giữa được và mất, vinh và nhục, khen và chê, hạnh phúc và khổ đau, chúng ta hãy duy trì trạng thái cân bằng của tâm. Có lẽ ta nên học theo hạnh của đất:

Như mặt đất

Bất cứ vật gì quăng xuống

Dù sạch hay dơ

Dù thơm hay thối

Đất vẫn xem như nhau

Không giận hờn cũng không hoan hỷ

Cũng vậy, trước xấu và tốt

Ta hãy giữ tâm thật yên bình.