Có người hỏi : Buôn bán thì không thể nói thật. Thí dụ ông Vương bán dưa, tất phải khen dưa ngọt, nếu không như vậy, sẽ không có ai mua. Như vậy, thì Phật tử có thể buôn bán không ? Buôn bán có phạm giới vọng ngữ hay không ?
Lại có người hỏi : Người học Phật không được có tâm tham, mà nên bố thí. Đi buôn là để có thật nhiều lãi, phải chăng đi buôn là trái với Phật pháp ?
Lại có người hỏi : Phật tử có thể mua cổ phiếu đầu tư, cho vay, mua bán bất động sản được hay không, vì những việc đó đều mang tính chất đầu cơ ?
Lại có người hỏi : Phật tử có thể buôn bán lương thực, thực phẩm hay không ? Nếu lương thực thực phẩm đó có được dùng để nuôi gia súc, thì phải chăng làm như vậy là khuyến khích nghiệp sát sinh ?
Đúng vậy, những vấn đề trên đây là những vấn đề cần phải thảo luận và nghiên cứu. Khi Phật Thích Ca còn tại thế, xã hội Ấn Độ chia làm bốn đẳng cấp :
Thứ nhất là đẳng cấp giáo sĩ Bà-la-môn, lo công việc tôn giáo.
Thứ hai, đẳng cấp Sát-đế-lợi lo công việc quân sự, chính trị.
Thứ ba, đẳng cấp Phệ-xá, lo việc công thương.
Thứ tư, đẳng cấp Thủ Đà La làm các công việc thấp hèn như sát sinh v.v…
Đức Phật Thích Ca chỉ không khuyến khích làm các công việc của đẳng cấp Thủ Đà La, còn thì tán thành các ngành nghề khác trong phạm vi cho phép, đủ thấy các Phật tử hoạt động công thương là chính đáng.
Còn như nói buôn bán là hành vi dối trá lừa người thì điều cần phải bàn bạc. Bởi vì đó không phải là thủ đoạn cần thiết mà do tập quán và tâm lý của con người nói chung tạo nên. Hàng thật, giá thật vay mượn chỗ đáng tin cậy, đó là đạo đức nghề nghiệp đáng có của nhà công thương. Mà chỉ có sự trung thực mới có thể làm to, làm lâu dài. Nếu không thì vì sao nhiều nhà buôn trương chiêu bài : “Cửa hàng này lâu hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm”.
Làm một người Phật tử mà có thể làm người khác ngờ rằng mình có thể lừa lọc họ, dối trá họ thì đó không phải là thái độ đúng đắn của người Phật tử mà thậm chí không phải là một nhà tiểu thương nữa.
Tất nhiên, chúng ta biết có những cửa hàng nói thách giá, nhưng cũng có những cửa hàng không bán hai giá. Có thể khi bắt đầu buôn bán có thể kém đi một ít, lợi nhuận còn ít, nhưng về lâu về dài, sẽ được tín nhiệm, nhờ đó mà thu lãi.
Thái độ đúng đắn của người Phật tử đối với việc kiếm tiền
Người ta nói chung có tâm lý “nuôi con phòng già”, “tích cốc phòng cơ”, “buôn bán thì nhất bản vạn lợi, muốn cho cuộc sống cá nhân được đảm bảo, muốn cho con cháu đời đời được ăn no mặc ấm”. Nhưng ngày nay, thời thế đã thay đổi, quan niệm đã khác xưa. Các nhà kinh doanh lớn hiện nay, không nên thấy lợi ích riêng của mình mà phải cống hiến trí tuệ, tài năng của mình cho phúc lợi quần chúng xã hội, thực hiện cái gọi là “lấy ở xã hội và dùng cho xã hội”, nhằm mục đích hoàn thành sự nghiệp của mình. Vì phụng sự lý tưởng đem lại hạnh phúc cho nhân loại nên họ không có tham tâm. Những người bình thường với khả năng trí tuệ của mình tuy không có cống hiến gì lớn lao cho xã hội nhưng ít nữa cũng có thể giải quyết được nhu cầu sinh hoạt cá nhân, cũng như nhu cầu sinh hoạt của gia đình và những nhân viên giúp việc. Đó là sự hỗ trợ lẫn nhau, và mỗi người đáp ứng nhu cầu riêng của mình.
Do vậy, mỗi người phải phát huy khả năng của mình, bất kể vốn liếng, trí tuệ và sức lực như thế nào ? Người Phật tử đi buôn bán, không chỉ được quan tâm đến lợi ích riêng tư, mà bỏ rơi lợi ích của người khác. Vì xã hội là một “đoàn thể” người, chúng ta làm bất cứ việc gì trong xã hội cũng đều có quan hệ với người khác, đều tác động lẫn nhau và giúp ích cho nhau.
Chúng ta phải có quan niệm vừa lợi ích cho mình vừa lợi cho người trong việc kiếm tiền để có số lợi nhuận tương xứng, và phải biết chi tiêu hợp lý số tiền kiếm được, không được chi dùng tiền vào hưởng thụ vật chất và thỏa mãn hư danh. Như vậy tránh được cái tiếng “kiếm tiền là do tham lam”.
Trong kinh “Thiện Sanh” có nói, thu nhập của cư sĩ tốt nhất nên chia làm bốn phần để xử lý :
Chi cho sinh hoạt gia đình.
Chi cho vốn liếng kinh doanh.
Dự trữ phòng xa.
Cho vay lấy lãi.
Ở Ấn Độ, cách đây hơn 2500 năm, phân phối như vậy thực sự là an toàn hợp lý. Ngày nay hai khoản dự trữ phòng xa và cho ngân hàng vay lấy lãi có thể nhập làm một. Ngoài ra, nên dành riêng một khoản để dùng cho 3 việc. Một là phụng dưỡng cha mẹ. Hai là giúp đỡ bạn bè thân và người giúp việc. Ba là cúng dường Tam Bảo. Bốn phần trên là để đảm bảo cuộc sống bản thân được ổn định, ba phần sau là để phụng dưỡng cha mẹ vì lợi ích xã hội và vì tôn giáo.
Theo Phật pháp thì phải có nghề nghiệp chân chính, tức là nghề nghiệp lợi cho mình mà không hại cho người khác. Như vậy thì làm sao mà nói rằng bản thân kiếm tiền mà lại làm cho người khác mất vốn phá sản ? Tuy nhiên phải thừa nhận rằng do trình độ quản lý và năng lực cao thấp khác nhau, quan niệm về lề lối kinh doanh khác nhau, quan hệ xã hội cũng bất đồng cho nên rất có thể cửa hàng này, công ty này làm ăn có lãi, cửa hàng kia, công ty kia bị thua lỗ.
Điều căn bản là trong quan hệ làm ăn buôn bán không được dối trá. Nếu trong quan hệ đó có người mua hay bán bị thua lỗ thì đấy không phải là trách nhiệm của chúng ta. Nói tóm lại người Phật tử làm bất cứ điều gì cũng với lòng thật, lòng thành, đối xử với người khác bao giờ cũng một lòng thành thực. Còn kết quả xảy ra thế nào thì cũng có thể không cần bận tâm áy náy.