Như trong kinh Đức Phật dạy cho chúng ta biết đời này chúng ta sống có được phước báo hay tai họa là do nghiệp chúng ta tạo nên.

Tu tập là tự sửa mình

Là cư sĩ chúng ta vẫn phải bôn ba ngoài xã hội mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình, cho nên khó tránh việc tạo nghiệp, mà đa phần là nghiệp xấu. Để giúp chúng sanh tự giữ mình trong sạch trong đời sống hằng ngày, Đức Phật buộc các Phật tử phải hứa giữ năm giới. 1) Không sát sanh, hại vật. 2) Không trộm cướp, lấy của không cho. 3) Không tà dâm, phá hoại gia cang người khác 4) Không vọng ngữ, nói lời hung ác, gây đau khổ, chia rẻ, hận thù giữa người này với người kia. 5) Không xử dụng chất say nghiện khiến tâm trí lu mờ ngu muội. Những ai giữ được năm giới luật này thì đó là người sống đạo đức không tạo nghiệp ác.

Đây là năm giới căn bản, người nào hành trì đúng đắn thì người đó sẽ dần xa lìa tam độc Tham, Sân, Si. Trong kinh ghi những người nào giữ trọn năm giới này sẽ không bị đoạ vào ba đường xấu. Đó là Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Người nào giữ được năm giới và dẹp luôn được tam độc thì có thể sanh vào cõi Trời hưởng phước muốn gì được đó. Nhưng ở cõi Trời muốn gì được đó khiến nhiều chư Thiên quên hẳn việc tu tập, vì thế khi hưởng hết phước rồi thì cũng bị đọa xuống làm kiếp người hay kiếp thú tuỳ theo nghiệp quả đã gây ra từ nhiều đời trước.

Tu hành giữ giới luật là tu theo cái tướng bên ngoài vẫn còn nằm trong phạm vi đối đãi thiện-ác, tốt-xấu, có người giữ giới, có giới để giữ, nên vẫn còn bị tái sinh trong lục đạo. Vấn đề tu tập giữ giới luật được xem là cần thiết, bên cạnh việc giữ giới, điều quan trọng thiết yếu nhất vẫn là tu từ gốc chứ không tu từ ngọn. Tu từ gốc nghĩa là “thiền Định” để dọn sạch cái tâm, giữ tâm ý yên lặng để phát huy trí tuệ.

Họa phước do tâm. Tâm động thì họa phước sanh. Tâm tịnh thì họa phước diệt. Nếu ta làm chủ tâm, chỗ đâu cho họa phước sanh. Như vậy mới thoát khỏi Nghiệp, mới thoát khỏi luân hồi sanh tử. Bài kệ sám hối dưới đây cũng nằm trong ý nghĩa này:

“Tánh tội vốn không do tâm tạo.

Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong

Tội trong tâm diệt cả đều không

Thế ấy mới là chân sám hối.”