Trong văn hóa thờ cúng của người Việt số lần vái lạy mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Tùy theo từng trường hợp, chúng ta có thể vái hay lạy từ hai, ba tới 4, 5 lần, mỗi cách được áp dụng cụ thể.
Vái lạy là hình thức, nghi lễ xuất hiện ở khắp nơi trong đời sống văn hóa người Việt. Người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, vì thế lễ này cũng có nguồn cơn từ những lễ nghi của đạo Phật.
1. Ý nghĩa việc vái lạy
Tại cuốn “101 câu hỏi về nghi lễ thờ cúng tổ tiên” (Nhà xuất bản Thời đại), Đại đức Thích Minh Nghiêm có chia sẻ như sau: Trong văn hóa thờ cúng của người Việt số lần lạy và vái đều mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là phong tục của riêng Việt Nam ta mà người Trung Quốc không hề có.
Khi có giỗ Tết hoặc khi đi lễ chùa, ta bày hoa quả đồ lễ rồi thắp nhang (hương) và khấn vái hay lạy để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn và cầu phước lành. Khấn là lời cầu khẩn lầm rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên quan đến các chi tiết về ngày tháng năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình cùng lời cầu xin và hứa hẹn.
Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính cẩn. Vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này.
Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay lên xuống theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường hợp, người Việt Nam ta vái hai, ba hay 4,5 vái.
Hai lạy và hai vái: Lời khấn vái là lời nói chuyện với người quá cố, do đó lời khấn là tấm lòng của người còn sống, có thể khấn sao cũng được. Hai lạy dùng để áp dụng cho người còn sống như trong trường hợp cô dâu chú rể khấn lạy cho mẹ.
Khi đi phúng điếu, nếu là vai dưới của người quá cố, như em, con cháu và những người vào hàng con em, ta nên lạy hai lạy. Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái thay cho lời chào kính cẩn.
Trong trường hợp người quá cố còn để trong quan tài tại nhà quàn, những người đến phúng điếu, nếu là vai trên của người quá cố như các bậc cao niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô dì… của người quá cố thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan tài đã được hạ huyệt tức là sau khi chôn cất, người ta vái người quá cố 4 vái.
– Ba lạy và ba vái: Khi đi lễ Phật, ta lạy ba lạy. Ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp và Tăng. Phật ở đây là giác, tức là giác ngộ, sáng suốt, thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chánh đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong sạch, thanh tịnh, không bợn nhơ.
– 4 lạy và 4 vái: 4 lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ và thánh thần. 4 lạy tượng trưng cho tứ thân, phụ mẫu 4 phương (đông thuộc dương, tây thuộc âm, nam thuộc dương và bắc thuộc âm) và tứ tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm).
– 5 lạy và 5 vái: Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy, 5 lạy tương trưng cho ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ), vua tượng trưng cho trung cung tức là hành Thổ màu vàng đứng ở giữa. Có ý kiến cho rằng, 5 lạy tương trưng cho 4 phương và trung ương nơi nhà vua như trị.
Địa Chỉ: 121 đường cách mạng tháng 8, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Email: dodongvietcantho.com@gmail.com
Hotline: 0944518556