Đại lễ Phật đản có nhiều ý nghĩa đối với xã hội, đặc biệt là những người tin theo Phật giáo, qua đại lễ thể hiện: sự tôn kính, tri ân và báo ân đối với bậc chí tôn, Giáo chủ của đạo Phật, người được Liên Hợp quốc tôn vinh, được thế giới tiến bộ ca ngợi về đạo đức từ bi và tinh thần: hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển bền vững, nhân văn.

Nói về đại lễ Phật đản, lúc sinh thời Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã nói: hình tượng Thích Ca sơ sinh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, với câu nói “Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn” (trên là Trời, dưới là Đất, ở giữa là Ta). Ta, nhắc nhở mỗi người phải biết làm chủ cuộc sống, làm chủ nghiệp lực của mình. Tư duy, lời nói và hành động của mỗi người sẽ tạo nên nghiệp quả cho chính cá nhân họ theo “luật nhân quả”.

Đại lễ Phật đản là dịp mỗi người con phật nhận diện lại chính mình. Hoạt động tắm nước thơm cho tượng Thích Ca sơ sinh là động thái để mỗi người trở về với chính mình. Bởi nếu tắm Phật thì ai hiện nay tắm được cho Phật, Phật có cần tắm không? Phật có ở nơi pho tượng đâu mà tắm cho Phật? Vậy tắm tượng Phật Thích Ca sơ sinh là tắm biểu trưng, gọi là tắm Phật nhưng thật ra là tắm cho chính mình, thể hiện ước nguyện của mình. Ba gáo nước thơm tắm Phật tượng trưng: gáo nước đầu tưới vào vai và tay trái để gột rửa mọi điều sai trái, gáo nước thứ hai tưới vào vai và tay phải để những điều phải, điều tốt đã tốt càng phải càng tốt hơn, gáo thứ ba tưới vào đầu để tâm trí thanh tịnh, sáng suốt.

Vậy là mượn việc tắm Phật là để tự làm sạch mình, làm mới mình. Sau khi thực hiện nghi lễ tắm Phật, cá nhân mỗi người cảm thấy mới, sạch sẽ, tươi sáng, anh minh. Trên khắp thế giới, những người con Phật cùng nhau thành kính chăm lo cho một đại lễ, cùng thể hiện tâm nguyện tốt đẹp vì một cuộc sống hoà bình, an vui.

Đại lễ Phật đản là thể hiện đoàn kết trên tinh thần hợp tác hoà bình, hạnh phúc. Trong mùa Phật đản, những người con Phật khắp nơi thực hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo.

Đại lễ Phật đản cũng là đề cao tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau, khắc phục khó khăn xây dựng cuộc sống an vui mọi người mọi nhà cùng hạnh phúc.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Cũng vào ngày này, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

 

Địa Chỉ: 121 đường cách mạng tháng 8, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Email: dodongvietcantho.com@gmail.com

Hotline: 0944518556